Thống kê Y tế Thế giới 2017: Gần một nửa số ca tử vong hiện nay có một nguyên nhân được ghi nhận

Đăng vào 24/10/2019
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần một nửa số ca tử vong trên toàn cầu hiện nay được ghi lại với một nguyên nhân, nhấn mạnh những cải tiến mà các quốc gia đã thực hiện trong việc thu thập các số liệu thống kê quan trọng và theo dõi tiến trình hướng đến đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

D

ữ liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần một nửa số ca tử vong trên toàn cầu hiện nay được ghi lại với một nguyên nhân, nhấn mạnh những cải tiến mà các quốc gia đã thực hiện trong việc thu thập các số liệu thống kê quan trọng và theo dõi tiến trình hướng đến đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Theo Thống kê Y tế Thế giới hàng năm của WHO, ước tính có khoảng 56 triệu ca tử vong trên thế giới vào năm 2015, trong đó có 27 triệu ca đã được kê khai tử vong với một nguyên nhân xác định. Trong năm 2005, chỉ có khoảng 1/3 số ca tử vong có ghi nhận nguyên nhân. Một số quốc gia đã có những bước tiến quan trọng trong việc tăng cường các dữ liệu thu thập được, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo Iran – nơi mà 90% số ca tử vong được ghi nhận lại thông tin chi tiết về nguyên nhân tử vong, so với 5% vào năm 1999.

Thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính xác về những trường hợp tử vong được ghi nhận cũng làm giảm tính hữu dụng của các dữ liệu này trong việc theo dõi các xu hướng y tế công cộng và các biện pháp lập kế hoạch để cải thiện sức khỏe và đánh giá mức độ hoạt động của các chính sách hiện hành. Vì vậy, WHO đang làm việc với các quốc gia để tăng cường hệ thống thông tin y tế và hỗ trợ các quốc gia theo dõi tốt hơn tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Thống kê Y tế Thế giới là một trong những ấn phẩm hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới, thu thập dữ liệu từ 194 quốc gia thành viên về 21 mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến sức khỏe, cung cấp một cái nhìn tổng quát về cả lợi ích lẫn nguy cơ đối với sức khỏe của người dân trên thế giới. Mặc dù chất lượng dữ liệu sức khỏe đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhiều quốc gia vẫn không thu thập dữ liệu có chất lượng cao thường xuyên để theo dõi các chỉ số của Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến sức khỏe.

Báo cáo bao gồm các dữ liệu mới về tiến trình bao phủ sức khỏe toàn dân. Các dữ liệu cũng cho thấy ở mức độ toàn cầu, mười biện pháp bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu đã được cải thiện từ năm 2000. Phạm vi điều trị HIV và ngủ màn để dự phòng sốt rét đã gia tăng nhiều nhất, từ mức rất thấp vào năm 2000. Việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trước sinh và cải thiện điều kiện vệ sinh cũng cho thấy sự gia tăng đều đặn, trong khi lợi ích thu được từ việc bao phủ tiêm chủng trẻ em thông thường từ năm 2000 đến 2010 chậm lại trong giai đoạn 2010 đến 2015.

Tiếp cận với các dịch vụ y tế chỉ là một khía cạnh của bao phủ sức khỏe toàn dân, trong khi số người phải chi trả tiền túi cho các dịch vụ lại rất khác. Số liệu gần đây nhất từ 117 quốc gia cho thấy trung bình 9,3% người dân ở mỗi quốc gia chi tiêu trên 10% ngân sách hộ gia đình của họ cho chăm sóc y tế, mức chi tiêu có thể khiến hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính.


Một số dữ liệu nổi bật về tiến bộ hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến sức khỏe được trình bày dưới đây:

Mục tiêu 3.1: Đến năm 2030, giảm tỷ suất chết mẹ toàn cầu xuống còn dưới 70/100.000 trẻ đẻ sống.

Khoảng 830 phụ nữ tử vong mỗi ngày do các biến chứng của thai nghén hoặc quá trình sinh đẻ vào năm 2015. Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ từ 216/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 xuống dưới 70/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2030sẽ đòi hỏi phải tăng gấp ba lần tỷ lệ giảm trung bình hàng năm của giai đoạn 1990 – 2015.

Mục tiêu 3.2: Đến năm 2030, chấm dứt các trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa được của trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi tại tất cả các quốc gia, nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh xuống mức tối thiểu là thấp hơn 12/1.000 trẻ đẻ sống và tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống mức tối thiểu là thấp hơn 25/1.000 trẻ đẻ sống.

Năm 2015, tỷ lệ tử vong sơ sinh trên toàn cầu là 19/1.000 trẻ đẻ sống và tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 43/1000 trẻ đẻ sống, giảm lần lượt là 37% và 44% so với năm 2000.

Mục tiêu 3.3: Đến năm 2030, chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên và chống lại viêm gan, bệnh do nước và các bệnh truyền nhiễm khác.

Ước tính khoảng 2,1 triệu người nhiễm mới HIV vào năm 2015, thấp hơn 35% so với số người nhiễm mới HIV vào năm 2000 (khoảng 3,2 triệu).

Có khoảng 212 triệu trường hợp sốt rét trên toàn cầu vào năm 2015. Khoảng 60% dân số có nguy cơ có thể tiếp cận với màn phun tẩm vào năm 2015, so với khoảng 34% vào năm 2010.

Mục tiêu 3.4: Đến năm 2030, giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng, điều trị và thúc đẩy sức khỏe tinh thần, phúc lợi.

Xác suất tử vong do bệnh đái tháo đường, ung thư, bệnh tim mạch và bệnh phổi mạn tính ở lứa tuổi 30 đến 70 là 19%, giảm 17% so với năm 2000. Tuy nhiên, tổng số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm tăng lên do quá trình gia tăng và già hóa dân số.

Gần 800.000 người tử vong do tự tử xảy ra trong năm 2015, với tỷ lệ cao nhất ở khu vực Châu Âu của WHO (14,1/100.000 dân) và thấp nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO (3,8/100.000 dân).

Mục tiêu 3.5: Tăng cường công tác dự phòng và điều trị nghiện chất, bao gồm cả lạm dụng thuốc gây nghiện và sử dụng đồ uống có cồn ở mức gây hại.

Mức tiêu thụ đồ uống có cồn năm 2016 là 6.4lít cồn tinh khiết cho mỗi người từ 15 tuổi trở lên. Vào năm 2015, hơn 1,1 tỷ người hút thuốc lá.

Mục tiêu 3.6: Đến 2020, giảm một nửa số ca tử vong và chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn cầu.

Khoảng 1,25 triệu người tử vong vì chấn thương giao thông đường bộ năm 2013, tăng 13% so với năm 2000. Chấn thương giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ra tử vong cho người từ 15 – 29 tuổi.

Mục tiêu 3.7: Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm kế hoạch hóa gia đình, thông tin và giáo dục, lồng ghép sức khỏe sinh sản vào các chiến lược và chương trình quốc gia.

Năm 2016, có 76,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã lập gia đình hoặc cùng chung sống có nhu cầu sử dụng biện pháp kế hoạch hóa tiếp cận được với phương pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ này giảm xuống còn 50% ở khu vực Châu Phi của WHO.

Tỷ lệ mang thai vị thành niên năm 2015 là 44,1/1000 cô gái trong độ tuổi 15 – 19.

Mục tiêu 3.8: Đạt bao phủ sức khỏe toàn dân, bao gồm bảo vệ rủi ro tài chính, tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng và tiếp cận thuốc và vắc xin thiết yếu, an toàn, hiệu quả, chất lượng và giá cả phù hợp cho tất cả mọi người.

Mười biện pháp bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu đã được cải thiện từ năm 2000, trong đó 49% số người mắc lao đã được phát hiện và điều trị, so với 23% vào năm 2000, có 86% trẻ em được tiêm đầy đủ 03 liều vắc xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) so với 72% vào năm 2000.

Số liệu gần đây từ 117 quốc gia cho thấy trung bình 9,3% người dân ở mỗi quốc gia chi tiêu hơn 10% ngân sách hộ gia đình cho chăm sóc y tế.

Mục tiêu 3.9: Đến năm 2030, giảm đáng kể số người tử vong và bệnh tật do hóa chất độc hại và ô nhiễm đất, nước, không khí và nhiễm độc.

Năm 2012, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu, chiếm 11,6% tổng số ca tử vong. Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO chịu gánh nặng tử vong lớn nhất.

Hạn chế nước sạch, công trình vệ sinh và thiếu vệ sinh gây ra khoảng 871.000 ca tử vong vào năm 2012. Hầu hết những ca tử vong đều ở khu vực Châu Phi và khu vực Đông Nam Á.


Các chỉ số liên quan đến sức khỏe được lựa chọn ngoài Mục tiêu 3

Mục tiêu 1.2: Đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nam giới, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi sống trong nghèo đói theo mọi khía cạnh dựa trên định nghĩa của quốc gia.

Vào năm 2014, chi phí y tế trung bình của chính phủ so với tổng chi của chính phủ là 11,7%, dao động từ 8,8% ở khu vực Đông Địa Trung Hải đến 13,6% ở khu vực Châu Mỹ.

Mục tiêu 2.2: Đến năm 2030, chấm dứt tất cả các dạng suy dinh dưỡng, bao gồm đạt được các mục tiêu toàn cầu về suy dinh dưỡng thể thấp còi và thừa cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2025 và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai và cho con bú, người cao tuổi.

22,9% trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi, từ 6,1% ở khu vực Châu Âu đến 33,8% ở khu vực Đông Nam Á.

6,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân, từ 4,1% ở khu vực Châu Phi đến 12,8% ở khu vực Châu Âu.

Mục tiêu 7.1: Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận phổ cập đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại, tin cậy và giá cả phù hợp

Năm 2014, 57% dân số thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu sạch, từ 16% ở khu vực Châu Phi đến hơn 95% ở khu vực Châu Âu.

Mục tiêu 16.1: Giảm đáng kể mọi hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan đến bạo lực ở mọi nơi

Vào năm 2015, ước tính có khoảng 468.000 người bị giết, từ 1,7/100.000 dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương đến 18,6/100.000 dân ở khu vực Châu Mỹ.

Mục tiêu 17.19: Đến năm 2030, dựa trên các sáng kiến hiện có để phát triển các công cụ đo lường tiến độ phát triển bền vững bổ sung cho sản phẩm trong nước và hỗ trợ xây dựng năng lực thống kê ở các quốc gia đang phát triển.

Năm 2015, 48% số ca tử vong được đăng ký với một nguyên nhân xác định, từ 5% số ca từ vong ở khu vực Châu Phi đến 95% ở khu vực Châu Âu.

Chỉ có một nửa số quốc gia thành viên của WHO kê khai ít nhất 80% số ca tử vong với thông tin về nguyên nhân tử vong.

 

 


Tin khác