Trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư

Đăng vào 29/09/2017
Trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh nói chung và điều trị ung thư nói riêng là chủ đề chính trong hội thảo do Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phối hợp tổ chức với Bệnh viện K, Tập đoàn IBM, công ty Five9 Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nói: Đây là một trong những hoạt động của Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế, nhằm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới Hội nghị Ứng dụng CNTT y tế lần thứ VIII vào dịp cuối tháng 10 tới tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

PGS. TS. Trần Quý Tường cho biết, thế giới hiện đang thay đổi từng ngày, y tế đang ngày càng nhận được những sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ thông tin như dữ liệu số lớn, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh,…. Tại Việt Nam, đã ứng dụng CNTT vào y tế cụ thể là ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) tại một số bệnh viện lớn trên toàn quốc và hỗ trợ công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội thảo họp hành.

PGS - TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế: Công nghệ thông tin trong y tế đã phát triển mạnh mẽ

Có thể nói công nghệ thông tin y tế Việt Nam bước đầu đã đạt được kết quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh và công tác quản lý. PGS.TS. Trần Quý Tường cũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đã chỉ đạo, kể từ ngày 1/1/2018, tất cả các bệnh viện sẽ triển khai bệnh án điện tử, nhằm đồng bộ hoá nguồn dữ liệu, tạo tiền đề cho các ứng dụng công nghệ thông tin khác.

Công nghệ được giới thiệu tại hội thảo “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh” là công nghệ Watson for Oncology, công nghệ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư trên nền tảng Điện toán biết nhận thức của IBM. Với khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu phi cấu trúc, cùng với cơ sở dữ liệu về ung thư khổng lồ được nhập bởi các đơn vị y tế chuyên về ung thư trên thế giới, Watson for Oncology có khả năng đọc và phân tích hàng chục triệu dữ liệu khác nhau để đưa ra gợi ý điều trị với xác suất thành công lớn nhất cho các bác sĩ.

Với sự hỗ trợ của Watson for Oncology, các bác sĩ chuyên khoa ung thư Việt Nam có thể tham khảo rất nhiều tài liệu y khoa khác nhau, các bằng chứng về những ca bệnh tương tự và các phác đồ điều trị tham khảo được đánh trọng số theo tình trạng sức khoẻ cụ thể của bệnh nhân. Ông Eric CW Yeo, Tổng Giám đốc tập đoàn IBM Việt Nam cho biết, Watson for Oncology đã được đào tạo bởi các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) của Mỹ trong 5 năm, cùng với cơ sở dữ liệu khổng lồ được bổ sung thường xuyên, những gợi ý điều trị mà hệ thống này đưa ra đạt được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia ung thư, đặc biệt là ung thư vú (90%).

Ông Eric CW Yeo, Tổng Giám đốc tập đoàn IBM Việt Nam Watson for Oncology được thiết lập từ các chuyên gia ung bướu

Hiện Watson for Oncology đã được triển khai ở Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Slovakia, Trung Quốc. Mục tiêu của IBM và Five9 là sớm triển khai công nghệ này ở Việt Nam để bổ sung một công cụ đắc lực hỗ trợ các bác sĩ trong cuộc chiến chống ung thư ở Việt Nam hiện nay. Sau báo cáo và demo, hệ thống Watson for Oncology đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia về ung thư tham gia hội thảo. Các chuyên gia cũng bày tỏ những băn khoăn về việc tích hợp hệ thống tại Việt Nam, những thách thức trong việc áp dụng do quy chuẩn về thông tin đầu vào của Việt Nam và thế giới khác nhau, sự khác biệt về ngôn ngữ,… Phía IBM và Five9 cho biết đã có lộ trình cụ thể cho việc ứng dụng công nghệ tại Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả và mức độ tối ưu của công nghệ.

Phát triển trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu của thời đại, chúng ta không thể chần chừ và một trong những ngành ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo đó là y tế. Trí tuệ nhân tạo trên thực tế đã mang lại rất nhiều lợi ích, ứng dụng làm thay đổi rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị trong Y tế. Watson dựa trên nền tảng Bigdata, cụ thể là dựa trên 1. 500.000 bệnh án, đây là một kho dữ liệu quý, hệ thống cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/1 lần là rất hợp lý. Điều này sẽ giúp cho việc chẩn đoán của Watson chính xác, khách quan, kịp thời và không lạc hậu. Tuy nhiên vẫn không thể thay thế được con người. Bởi độ chính xác của nó hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu lâm sàng đầu vào do các bác sỹ nhập vào, hệ thống tổng hợp các thông tin để giúp các bác sỹ đưa ra quyết định chẩn đoán nhanh và chính xác hơn.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống

Tin khác